Làng nghề dệt chiếu cói An Đạo
Lượt xem: 2696
Làng nghề dệt chiếu An Đạo
 

         Nằm bên sông Ninh Cơ, làng An Đạo, xã Hải An (Hải Hậu) có nghề dệt chiếu truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống năm 2012.

In hoa văn trên chiếu tại hộ ông Nguyễn Văn Thuyên, đội 6, làng An Đạo.
In hoa văn trên chiếu tại hộ ông Nguyễn Văn Thuyên, đội 6, làng An Đạo.



        Theo các cụ cao niên, nghề dệt chiếu của làng phát triển một phần vì chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Thời điểm cực thịnh, toàn bộ cánh đồng Hạ Đoạn rộng trên 40ha chuyên trồng cói để cung ứng cho làng nghề. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã tận dụng vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ để trồng đay với diện tích hàng chục ha. Bước vào thời kỳ đổi mới, vì nhiều nguyên nhân khác nhau vùng trồng cói nguyên liệu của xã dần bị thu hẹp, đến nay chỉ còn khoảng 10 mẫu. Để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng và phát triển nghề dệt chiếu của làng An Đạo theo hướng bền vững, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hải An đã xây dựng đề án phát triển nghề truyền thống; thành lập tổ quản lý làng nghề để hỗ trợ các hộ làm nghề phát triển sản xuất; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các hộ vay được các nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề... Nhờ đó, nghề dệt chiếu truyền thống của làng An Đạo từng bước khởi sắc. Làng nghề hiện có trên 100 khung dệt chiếu, thu hút gần 200 lao động trực tiếp tham gia; trong tổng số 270 hộ dân thì có 101 hộ tham gia dệt chiếu; mỗi khung dệt thường cần 2 lao động. Bình quân một ngày, mỗi khung dệt được từ 4-5 lá chiếu. Ở làng nghề An Đạo, các loại chiếu cói phổ thông có giá từ 180-250 nghìn đồng/đôi, riêng loại “chiếu đậu” cao cấp phục vụ các lễ hội truyền thống, các dịp cưới hỏi có giá từ 350-600 nghìn đồng/đôi. Để dệt được một lá “chiếu đậu” phải kỹ càng từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Sợi cói phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột và màu trắng xanh. Đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc mối được đặt làm riêng từ những hộ xe đay có tay nghề cao. Chiếu đậu cao cấp đòi hỏi kỹ thuật dệt tỉ mỉ, nên một ngày chỉ dệt được từ 2-2,5 lá. Theo số liệu của UBND xã Hải An, trung bình một hộ dân trong làng nghề tiêu thụ khoảng 3,5 tấn cói nguyên liệu/năm. Sản phẩm của làng nghề cũng rất đa dạng với các loại chiếu khổ rộng từ 0,8-1,8m, dài từ 1,8-2m; chiếu cao cấp thường để trắng, không in hoa trang trí, các loại chiếu khác sau khi dệt xong được in hoa văn, hấp, sấy. Ông Nguyễn Thanh Điệng, xóm 6, làng An Đạo, người có trên 30 năm kinh nghiệm làm chiếu cho biết, sau khi trừ các loại chi phí, thu nhập của người dệt chiếu thường đạt từ 70-80 nghìn đồng/người/ngày. Với 2 lao động thường xuyên, mỗi hộ dệt chiếu có thu nhập từ 35-45 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt trong làng nghề có khoảng 25 hộ tay nghề cao dệt các loại chiếu đặt nên đã đạt mức thu nhập từ 50-57 triệu đồng/năm từ nghề dệt chiếu như hộ các ông: Tạ Văn Bạo, Nguyễn Văn Thở ở đội 5; Nguyễn Văn Ruân, Nguyễn Văn Chuyên ở đội 6… Những năm gần đây, nghề dệt chiếu phát triển, ở làng An Đạo đã có hộ các ông: Trần Văn Phụng ở đội 5; Nguyễn Văn Thuyên ở đội 6… làm đại lý chuyên cung ứng nguyên liệu, thu gom sản phẩm, tìm kiếm thị trường, in, hấp hoa văn và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hằng năm, ông Thuyên thường nhập từ 12-15 tấn cói từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Ninh Bình, Thanh Hóa để cung ứng cho gần 20 hộ dệt chiếu trong làng nghề. Ngoài ra, ông đã đầu tư gần 20 triệu đồng lắp đặt lò hấp, mỗi mẻ hấp được từ 50-60 lá chiếu, tự thiết kế hơn 10 mẫu hoa văn để in trên chiếu. Bình quân mỗi tháng, ông Thuyên thu gom và xuất bán được từ 400-500 lá chiếu và nhận in khoảng 150-170 đôi chiếu.

          Nghề dệt chiếu truyền thống ở làng An Đạo không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. Năm 2013, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của xã Hải An đều đạt và vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách cả năm đạt gần 7,7 tỷ đồng, bằng 172,7% tổng dự toán năm; bình quân thu nhập đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm./.


Bài và ảnh: Thành Trung- Báo Nam Định

Tin liên quan







image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải An
Địa chỉ : UBND xã Hải An - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: xahaian.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó chủ tịch UBND xã

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang