Di tích lịch sử

Xã Hải An hiện nay vốn là 2 xã Hải An và Hải Toàn thuộc huyện Hải Hậu. Mấy trăm năm về trước, đây là vùng đất ngập mặn ven biển. Trải qua thời gian phù sa bồi lấp, kết hợp với sự cải tạo của con người mà trở thành làng quê trù phú. Năm 1829, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mộ dân khai khẩn lập ra vùng Cửu An – Nhất Phúc (9 thôn có chữ “an” và một thôn có chữ “phúc”), gồm các thôn: An Nghĩa, An Đạo, An Trạch (sau là xã Hải An); An Lạc, An Phúc, An Lễ, An Phong, Phúc Hải (sau là xã Hải Phong) và An Nhân, An Nghiệp (sau là xã Hải Toàn). Trước khi sáp nhập, xã Hải An có diện tích 6,13 km², dân số là 5.032 người, có 3 thôn: An Trạch, An Đạo, An Nghĩa, chia thành 15 xóm. Xã Hải Toàn có diện tích 5,01 km², dân số là 3.695 người, có 2 thôn: An Nhân, An Nghiệp, chia thành 12 xóm. Ngày 10 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Nam Định. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải Toàn vào xã Hải An. Ngay sau khi sáp nhập, cấp ủy đảng, chính quyền xã Hải An đã nhanh chóng ổn định bộ máy và triển khai các công việc, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Hải An là xã nằm ở phía Tây Nam huyện Hải Hậu, phía Bắc giáp huyện Trực Ninh; phía Đông giáp xã Hải Phong; phía Nam giáp Hải giang; phía Tây giáp sông Ninh Cơ. Các tuyến đường giao thông được xây dựng đồng bộ, kết nối từ tuyến đường An Đông đến đường xã, thôn, xóm, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Trên địa bàn xã có các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa chứa nhiều giá trị tinh thần - nhân văn góp phần vào việc giáo dục lòng tự tôn dân tộc, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong những năm qua, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.

 

anh tin bai

  

Làng An Trạch nằm trên mảnh đất thuộc tổng Ninh nhất xưa và xã Hải An ngày nay có con sông chảy từ sông Cau vào làng, vào độ 70m sông chia làm 2. Trên đầu sông có một cây bàng. Mảnh đất đó các cụ xưa thường gọi là con bơn, vòi voi, con cá chép, một mảnh đất địa linh nhân kiệt. Bởi trải qua các thời kỳ, nơi đây nhiều người đỗ đạt làm quan và giữ nhiều vị trí chủ chốt quan trọng trong các cơ quan từ Trung ương tới địa phương. Cùng với truyền thống cách mạng hào hùng, ngày nay, người dân trên mảnh đất này nói riêng và người dân trên địa bàn xã Hải An nói chung đang phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

 1. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền An Trạch:

Đền An Trạch nằm trên địa bàn làng An Trạch, xã Hải An, huyện Hải Hậu được xây dựng vào thế kỷ XIX, đây là công trình kiến trúc gỗ truyền thống có quy mô khá lớn, một số cấu kiện chính đều có họa tiết phong phú, thể hiện giá trị nghệ thuật cao. Đền An Trạch ở làng An Trạch, xã Hải An (Hải Hậu) là 1 trong 4 ngôi đình cổ còn lại của huyện Hải Hậu. Đền được tổng trùng tu lớn vào năm 1921 đời Vua Khải Định, là nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, đồng thời phối thờ các vị tổ lập nên làng An Trạch. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đền vẫn giữ được kiến trúc nguyên mẫu và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Ngôi đền hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong đều của triều Nguyễn gồm đạo sắc phong ngày 8-6 niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911) và 2 đạo sắc phong ngày 15-7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Đương cảnh Thành hoàng Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ; tấm bia đá chạm 2 mặt, cao 110cm, rộng 60cm, dày 19cm…

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

 

 

Tín ngưỡng thờ các vị thần ở đây vừa tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người đi khai hoang dựng xây quê mới, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương. Trong quá trình bảo tồn và phát triển, đền An Trạch đã trở thành địa điểm có nhiều mối liên quan đến lịch sử hình thành làng xã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ đền An Trạch là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thành tích chung của quê hương Hải An.

              Hàng năm tại di tích thường diễn ra các kỳ lễ hội để tri ân công đức của Đức Thánh Trần vào ngày 20/8 âm lịch; Ngày lễ kỷ niệm ngày mất của Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ cũng như các vị tổ, những người đóng góp công sức vào việc xây dựng phát triển làng xã...

 

anh tin bai

 

               Đền An Trạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 618/QĐ-BVHTTDL ngày 10-3-2014 xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

2. Di tích lịch sử cấp tỉnh Chùa An Nghiệp 

Chùa thôn An Nghiệp xã Hải An là nơi thờ Phật, ngoài ra còn thờ đức Thánh Tổ Dương Không Lộ một vị Quốc sư triều Lý có nhiều công lao đóng góp với đất nước và nhân dân và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Ngôi chùa được toạ lạc trong khuôn viên với diện tích rộng.

 

anh tin bai

 

 

 

Hiện nay tại chùa An Nghiệp gồm các hạng  mục công trình vẫn bảo lưu được kiến trúc gỗ truyền thống được nhiều thế hệ gìn giữ và bảo quản. Trong những năm qua, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc của người Việt. 

Ngoài ra Chùa thôn An Nghiệp còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, tượng thờ có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa như: Câu đối, đại tự, chuông đồng, Sắc phong và hệ thống tượng thờ Phật, tượng Đức Thánh Tổ...

Trong hai hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ chùa thôn An Nghiệp là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.

 

anh tin bai

 

Hàng năm chùa thôn An Nghiệp thường xuyên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Phật đản (15/4), Lễ Vu Lan (15/7) và Lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ (15/9) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.

Với những giá trị đó chùa An nghiệp đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2019.

 







image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải An
Địa chỉ : UBND xã Hải An - huyện Hải Hậu - tỉnh Nam Định
Điện thoại:    * Email: xahaian.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó chủ tịch UBND xã

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang